Nước chiếm khoảng 70% trọng lượng cơ thể, 65-75% trọng lượng cơ, 50% trọng lượng mỡ, 50% trọng lượng xương. Nước tồn tại ở hai dạng: nước trong tế bào và nước ngoài tế bào. Nước ngoài tế bào có trong huyết tương máu, dịch limpho, nước bọt… Huyết tương chiếm khoảng 20% lượng dịch ngoài tế bào của cơ thể (3-4 lít). Nước là chất quan trọng để các phản ứng hóa học và sự trao đổi chất diễn ra không ngừng trong cơ thể. Nước là một dung môi, nhờ đó tất cả các chất dinh dưỡng được đưa vào cơ thể, sau đó được chuyển vào máu dưới dạng dung dịch nước.
Uống không đủ nước ảnh hưởng đến chức năng của tế bào cũng như chức năng các hệ thống trong cơ thể. Uống không đủ nước sẽ làm suy giảm chức năng thận, thận không đảm đương được nhiệm vụ của mình, kết quả là trong cơ thể tích lũy nhiều chất độc hại. Những người thường xuyên uống không đủ nước da thường khô, tóc dễ gãy, xuất hiện cảm giác mệt mỏi, đau đầu, có thể xuất hiện táo bón, hình thành sỏi ở thận và túi mật.
Tuy nhiên một số người lại lầm tưởng về tác dụng của việc uống nhiều nước, họ cho rằng uống càng nhiều nước thì sẽ tăng cường thải các chất độc hại ra khỏi cơ thể, và họ đã uống quá nhiều nước (4-5 lít/ngày). Thực ra khi uống nhiều nước sẽ gây quá tải cho thận, kèm theo với thải các sản phẩm chuyển hóa, các chất độc hại, cơ thể còn thải các dưỡng chất và các nguyên tố vi lượng. Những người bị tăng huyết áp uống nhiều nước rất nguy hiểm.
Vậy uống nước như thế nào là phù hợp?
Trong điều kiện bình thường, trong một ngày cơ thể cần khoảng 40ml nước/kg cân nặng, trung bình 2-2,5 lít nước/ngày. Ví dụ một người nặng 60kg thì nhu cầu nước trong ngày khoảng 2,5 lít, trong đó gồm khoảng 1 lít được đưa vào cơ thể dưới các dạng nước uống như chè, cà phê, nước sinh tố…; 0,4-0,5 lít dưới dạng nước canh súp và nước trong rau xanh, trái cây; 0,6-0,7 lít trong thức ăn được chế biến như cơm, bánh mỳ, thịt, cá…; còn khoảng 0,3-0,4 lít là sản phẩm cuối cùng của các phản ứng hóa học trong cơ thể.
Nhu cầu về nước trong những ngày nóng bức, những ngày mùa đông mà có độ ẩm thấp, trong khi lao động thể lực hay tập luyện thể dục thể thao, trong tình trạng bị sốt, phụ nữ đang cho con bú tăng đáng kể so với bình thường, còn trong ngày trời lạnh nói chung sẽ phải hơi giảm.
Khi lao động, tập luyện thể lực căng thẳng trong điều kiện khí hậu nóng ẩm, cơ thể có thể mất nước theo đường mồ hôi tới 30g/kg cân nặng/giờ (người cân nặng 60kg có thể ra 1,8lít mồ hôi/giờ), do đó người ta khuyến cáo, trước khi lao động hay tập luyện thể dục thể thao cơ thể phải ở trạng thái cân bằng nước. Để đạt được điều này thì trong vòng 2 giờ trước khi vận động, uống 400-600ml nước và trong khi lao động phải tiến hành bổ sung nước sớm cho cơ thể mà không chờ có cảm giác khát. Sau mỗi 15-20 phút uống khoảng 150-200ml nước, uống nước có nhiệt độ khoảng 15-20oC sẽ tăng nhanh khả năng tiêu tháo nước qua dạ dày vào ruột và thấm vào máu.
Vào mùa nóng thì nên uống nước mát, còn vào mùa lạnh thì uống nước ấm. Khuyến cáo không uống nước đá hay nước quá nóng trên 45oC để tránh ảnh hưởng đến lớp men răng và lớp niêm mạc vòm miệng, thực quản, dạ dày. Uống nước lạnh rất nguy hiểm đối với các bệnh nhân bị thấp khớp, bệnh gút, bệnh về bàng quang, viêm họng mạn, có thể gây tái phát các bệnh này.
Khi uống nước nên uống từ từ, từng ngụm nhỏ, mỗi lần không nên quá 150-200ml. Trước bữa ăn khoảng 15-40 phút nên uống một ít nước, vì sau khi uống 10-15 phút, nước đã được tống khỏi dạ dày vào ruột non và thấm vào máu. Sau những bữa ăn bình thường không uống nước ngay mà để sau khoảng 30-40 phút, vì uống nhiều nước ngay sau bữa ăn sẽ pha loãng hoặc giảm hoạt tính của các men tiêu hóa thức ăn (trừ những bữa ăn có nhiều chất kích thích, ăn thức ăn khô, thức ăn nhiều mỡ).
Tóm lại, nước rất cần cho cơ thể, mỗi người phải tập cho mình một thói quen uống nước để cơ thể không bị thiếu nước. Có thể nhận biết cơ thể bị thiếu nước qua cảm giác khát hoặc màu của nước tiểu, nước tiểu có màu vàng đậm chứng tỏ cơ thể đang bị thiếu nước. Vào mùa hè nóng bức, mỗi người luôn có chai nước bên mình để thỉnh thoảng uống vài ngụm nhỏ. Duy trì cho cơ thể luôn ở trạng thái cân bằng nước là yếu tố quan trọng bảo đảm sức khỏe của mỗi người.